Ngành công nghiệp nhựa ngày càng có phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Hôm nay chúng mình muốn chia sẻ một vài thông tin về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhựa tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Giới thiệu tổng quan về ngành công nghiệp nhựa
Nhựa được biết đến như là chất dẻo hoặc polymer dùng để sản xuất ra nhiều loại đồ dùng trong đời sống sinh hoạt bởi tính bền dẻo và đa năng của nó.
Nhựa còn góp phần cho sự phát triển trong nhiều ngành và lĩnh vực khác như : điện, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp…Vì những lý do trên Nhựa được xem là phần không thể thiếu trong việc phát triển nền kinh tế của thế giới
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhựa càng được ứng dụng rộng rãi và dần trở thành vật liệu thay thế cho những vật liệu truyền thống khác như gỗ, kim loại, silicat…
Tình hình phát triển của thị trường nhựa tại việt nam
♦ Tình hình chung
Ở Việt Nam, so với các ngành công nghiệp khác thì ngành công nghiệp nhựa còn khá mới mẻ, và phát triển mạnh những năm gần đây.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, cụ thể là từ năm 2015, ngành nhựa Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc với mức tăng hàng năm là 16% - 18%/năm, đứng thứ 3 chỉ sau ngành viễn thông và dệt may.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành nhựa đang được coi là một ngành tiềm lực, chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó xuất phát từ thị trường tiêu thụ rộng lớn từ trong nước lẫn ngoài nước.
♦ Cơ cấu sản xuất nhựa ở nước ta
Hiện nay, các sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm 4 nhóm chính, bao gồm nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Trong đó, do nhu cầu tiêu dùng và thói quen mua sắm sử dụng bao bì nhựa của người dân, nhựa bao bì đã trở thành mặt hàng sản xuất chủ yếu ở nước ta, chiếm tỉ trọng cao nhất, lên tới 39% giá trị sản xuất của cả 4 loại.
Đứng thứ 2 là nhựa gia dụng, chiếm 32%. Nhựa gia dụng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người dân. Đa số các vật dụng cơ bản trong nhà đều được làm từ nhựa như, ghế, tủ, kệ nhựa và đồ chơi, giày dép.
Nhựa xây dựng chiếm 14% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm như ống nước, khung cửa chính, cửa sổ. Nhờ thị trường bất động sản đang hồi phục và các hoạt động xây dựng dân dụng, hạ tầng gia tăng với nhiều dự án có quy mô lớn và vốn đầu tư cao, đặc biệt là các dự án về xây dựng nhà xưởng và cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp, hạ tầng giao thông, nâng cấp đường bộ… thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có cơ hội được mở rộng và phát triển mạnh mẽ.
Cuối cùng là nhựa công nghệ cao chiếm 9% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm như phụ tùng nhựa, dùng trong lắp ráp ô-tô, xe máy, thiết bị y tế và trang thiết bị dùng trong công nghiệp composite.
Tình hình xuất khẩu của ngành công nghiệp nhựa
Hiện tại, các sản phẩm của nhựa Việt Nam đã có mặt tại 151 thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật tối ưu như Nhật Bản, Mỹ, EU. Và đó xũng là 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trong đó Nhật Bản vẫn giữ vị trí đầu tiên với tỷ trọng trên 20% giá trị xuất khẩu qua các năm. Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn là bao bì túi nhựa, hoặc phụ kiện, linh kiện có giá trị gia tăng thấp. Gần đây, Hàn Quốc cũng trở thành một thị trường xuất khẩu lớn mới của Việt Nam.
Xuất khẩu nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm những công ty FDI (chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn ngành), những công ty này sử dụng những công nghệ tiên tiến, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nước ngoài.